Thiết kế web bởi Expro Việt Nam

Bắc Kinh và lịch sử qua các triều đại

Thứ Bảy, 27 Tháng Ba , 2021

Bắc Kinh (tiếng Trung: 北京; bính âm: BěijīngPhát âm tiếng Trung: [peɪ˨˩ t͡ɕiŋ˥]), là thủ đô của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bắc Kinh
Bắc Kinh – Nguồn: Internet

Bắc Kinh (tiếng Trung: 北京; bính âm: BěijīngPhát âm tiếng Trung: [peɪ˨˩ t͡ɕiŋ˥]), là thủ đô của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thành phố nằm ở miền Hoa Bắc, và là một trong số bốn trực hạt thị của Trung Hoa, với 14 quận nội thị và cận nội thị cùng hai huyện nông thôn; là trung tâm chính trị, văn hóa và giáo dục của Trung Quốc. Bao quanh hầu hết Bắc Kinh là tỉnh Hà Bắc, thành phố Thiên Tân giáp với Bắc Kinh ở phía Đông Nam.

Bắc Kinh là thành phố lớn thứ hai Trung Quốc xét theo số dân đô thị, xếp sau Thượng Hải, là một trong số các thành phố đông dân nhất thế giới với dân số là 21.707.000 người vào năm 2017. Năm 2018, Bắc Kinh là đơn vị hành chính (gồm bốn thành phố trực thuộc trung ương, 22 tỉnh, năm khu tự trị dân tộc và hai đặc khu hành chính) đông thứ 26 về số dân với 21,5 triệu dân; đứng thứ 12 về kinh tế Trung Quốc và GDP đạt 3.032 tỉ NDT (458,2 tỉ USD) tương ứng với Áo hay Na Uy. Bắc Kinh có chỉ số GDP đầu người đứng thứ nhất Trung Quốc, đạt 140.760 NDT (tương đương 21.261 USD). Thành phố là nơi đặt trụ sở của hầu hết các doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Trung Quốc, và là một đầu mối giao thông chính của các hệ thống quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt và đường sắt cao tốc tại Trung Quốc. Sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh là sân bay bận rộn thứ hai trên thế giới theo số lượng hành khách.

Lịch sử của thành phố đã có từ ba thiên niên kỷ. Bắc Kinh là kinh đô cuối cùng trong tứ đại cố đô phong kiến Trung Hoa, là trung tâm chính trị của cả nước trong phần lớn thời gian suốt các triều đại Nguyên, Minh, Thanh. Thành phố nổi tiếng với các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc lâu đời, đồ sộ như cung điện, chùa chiền, lăng mộ, thành trì; cùng với đó, các kho tàng nghệ thuật đa dạng, các trường đại học chất lượng cao góp phần đưa Bắc Kinh trở thành một trung tâm văn hóa và nghệ thuật tại Trung Quốc. Thủ đô Bắc Kinh là một thành phố đặc biệt của Trung Quốc và cả thế giới.

Tên gọi

Bắc Kinh (北京) có nghĩa là “Kinh đô phía bắc”, phù hợp với truyền thống chung của Đông Á khi kinh đô được dứt khoát đặt tên như chính nó. Các thành phố có kiểu tên tương tự là Nam Kinh (南京 Nánjīng, có nghĩa là “Kinh đô phía nam”), Tokyo (東京, “Đông Kinh” theo chữ Hán), Đông Kinh (東京 Dōngjīng, có nghĩa là “Kinh đô phía đông”, ngày nay là Hà Nội); cũng như Kyoto (京都, “Kinh Đô”) và Kinh Thành, (京城 – có nghĩa là “kinh đô”, ngày nay là Seoul), Tây Kinh (西京 Xījīng, nghĩa là “Kinh đô phía tây”, nay là Lạc Dương). Ở Trung Quốc, thành phố này có nhiều lần được đặt tên lại. Giữa thời gian từ 1368 đến 1405, và sau đó lại một lần nữa từ 1928 đến 1949, thành phố này có tên là Bắc Bình (北平; bính âm: Beiping; Wade-Giles: Pei-p’ing), có nghĩa “hòa bình phía bắc” hay “bình định phía bắc”. Trong cả hai trường hợp, tên được đổi – bằng cách bỏ từ “kinh” – để phản ánh hiện thực là kinh đô đất nước đã chuyển đến Nam Kinh, lần đầu tiên dưới thời Hồng Vũ hoàng đế Nhà Minh, và lần thứ hai dưới thời Chính phủ Quốc dân của Trung Hoa Dân Quốc, lúc đó Bắc Kinh không phải là kinh đô của Trung Hoa.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chuyển thủ đô về Bắc Kinh năm 1949 một lần nữa một phần để nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã trở lại vai trò thủ đô Trung Quốc của mình. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan chưa bao giờ công nhận chính thức việc đổi tên này và trong thập niên 1950 và thập niên 1960 phổ biến ở Đài Loan gọi Bắc Kinh là Bắc Bình để ám chỉ tính bất hợp pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngày nay, phần lớn Đài Loan, kể cả chính phủ Đài Loan đều sử dụng tên gọi Bắc Kinh, dù một số bản đồ của Trung Quốc từ Đài Loan vẫn sử dụng tên gọi cũ cùng với biên giới chính trị cũ. Yên Kinh (燕京; Bính âm: Yānjīng; Wade-Giles: Yen-ching) cũng là một tên phổ biến khác không chính thức của Bắc Kinh, liên hệ đến nước Yên đã tồn tại ở đây từ thời nhà Chu. Tên này hiện được một số tổ chức sử dụng làm tên thương hiệu như bia Yên Kinh, Đại học Yên Kinh, một trường đại học đã bị sáp nhập vào Đại học Bắc Kinh. Trong thời Nhà Nguyên, Bắc Kinh được gọi là Đại Đô.

Giản xưng của Bắc Kinh là “Kinh” (京), chúng xuất hiện trong biển số xe của thành phố. Giản xưng chữ cái Latinh chính thức của Bắc Kinh là “BJ”.

Lịch sử

Một chiếc nghiễn (甗) dùng để đun nấu có niên đại từ thời Yên, khai quật ở di chỉ Lưu Ly Hà thuộc huyện Phòng Sơn
Một chiếc nghiễn (甗) dùng để đun nấu có niên đại từ thời Yên, khai quật ở di chỉ Lưu Ly Hà thuộc huyện Phòng Sơn

Lịch sử ban đầu

Đã phát hiện được các dấu vết có niên đại sớm nhất về sự định cư của con người tại Bắc Kinh trong các hang động ở Long Cốt Sơn (龙骨山) gần Chu Khẩu Điếm thuộc huyện Phòng Sơn, nơi người vượn Bắc Kinh từng sinh sống. Các hóa thạch người đứng thẳng (Homo erectus) từ các hang động này có niên đại từ 230.000 đến 250.000 năm trước. Người hiện đại (homo sapiens) thời đại đồ đá cũ cũng đã sinh sống tại khu vực Bắc Kinh, từ khoảng 27.000 năm trước. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện những điểm định cư thời đại đồ đá mới trên khắp thành phố, bao gồm cả ở Vương Phủ Tỉnh tại trung tâm Bắc Kinh.

Thành có tường bao bọc đầu tiên tại khu vực Bắc Kinh là Kế, một thành bang tồn tại từ thế kỷ XI đến thế kỷ VII TCN. Trên địa bàn Bắc Kinh hiện nay, Kế nằm ở phía nam của ga Bắc Kinh Tây. Nơi này sau đó đã bị nước Yên chinh phục và trở thành kinh đô của nước này với tên gọi Yên Kinh.

Thời kỳ phong kiến ban đầu

Thiên Ninh tự tháp, được xây dựng khoảng năm 1120.

Sau khi nước Yên bị tiêu diệt trong thời Chiến Quốc, các triều đại phong kiến ban đầu tiếp tục để thành làm thủ phủ châu với các tên gọi khác nhau. Trong thời Tam Quốc, khu vực Bắc Kinh lần lượt do Lưu Ngu rồi đến Công Tôn Toản và Viên Thiệu chiếm giữ trước khi về tay Tào Ngụy. Triều Tây Tấn đã chuyển thủ phủ châu đến Phạm Dương, và các hoàng đế Ngũ Hồ của các nước “Yên” khác nhau trong thời Ngũ Hồ thập lục quốc cũng chọn những địa điểm khác để định đô.

Thời nhà Tùy, khu vực đã hồi sinh khi người ta đào nhiều kênh mương để phục vụ cuộc xâm lược Cao Câu Ly của Tùy Dạng Đế. U châu là một sở chỉ huy chính vào thời Nhà Đường, với tên gọi Phạm Dương, khu vực Bắc Kinh trong một thời gian ngắn đã là thủ đô của nước Đại Yên trong loạn An Sử vào thế kỷ VIII. Năm 936, nhà Hậu Tấn đã buộc phải nhường lại toàn bộ khu vực Bắc Kinh cho nhà Liêu của người Khiết Đan. Hai năm sau, nhà Liêu lập bồi đô ở nơi này, và đặt tên là Nam Kinh. một số công trình cổ nhất còn tồn tại ở Bắc Kinh có niên đại từ thời Liêu, bao gồm Thiên Ninh tự.

Nhà Liêu sụp đổ trước nhà Kim của người Nữ Chân vào thế kỷ XII và nhà Kim đã chuyển thủ đô của họ đến Nam Kinh vào năm 1153, đổi tên thành Trung Đô. Thành bị quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn bao vây vào năm 1213 và bị san bằng hai năm sau đó. Sau này, Hốt Tất Liệt đã hạ lệnh xây dựng Đại Đô (Khanbaliq), tân đế đô cho triều Nguyên của ông, nằm gần kề các tàn tích từ thời Kim. Việc xây dựng được tiến hành từ 1264 đến 1293, và đã nâng cao rất nhiều vị thế của một thành nằm ở rìa phía bắc của Trung Quốc bản thổ. Thành có trung tâm là Cổ Lâu nằm hơi lệch về phía bắc của khu vực đô thị Bắc Kinh hiện nay và kéo dài từ đường Trường An đến tuyến số 10 ngày nay. Tàn dư của bức tường đắp bằng đất từ thời Nguyên vẫn còn và được gọi là Thổ Thành.

Nhà Minh

Năm 1368, một thời gian ngắn sau khi lập ra Nhà Minh, Chu Nguyên Chương đã cử một đội quân đến Đại Đô và đốt cháy thành. Tuy nhiên do quân Nguyên tiếp tục chiếm giữ Thượng Đô và Mông Cổ, một thành mới đã được thiết lập để tiếp tế cho các đơn vị quân sự đồn trú trong khu vực. Thành này được gọi là Bắc Bình và theo chính sách tiến hành phong vương lập phiên của Chu Nguyên Chương thì thành được trao cho Yên vương Chu Đệ, hoàng tử thứ tư của ông ta.

Một trong các giác lâu của Tử Cấm thành.
Một trong các giác lâu của Tử Cấm thành.

Việc người kế thừa của Chu Nguyên Chương mất sớm đã dẫn đến một cuộc đấu tranh kế vị khi bản thân ông ta qua đời, thắng lợi cuối cùng thuộc về Chu Đệ và người này trở thành Vĩnh Lạc Đế. Do kinh thành Ứng Thiên (Nam Kinh) đã bị cháy khi Chu Đệ tiến vào, ông đã lập phong ấp của mình làm đồng kinh thành. Thành Bắc Bình trở thành Thuận Thiên – tức Bắc Kinh ngày nay vào năm 1403. Việc xây dựng hoàng cung mới, Tử Cấm thành, được tiến hành từ năm 1406 đến 1420; đây cũng là khoảng thời gian xây dựng một số điểm đến chính của thành phố hiện nay, như Thiên Đàn và Thiên An Môn (song quảng trường trước nó đến năm 1651 mới được dọn quang). Khi mọi thứ hoàn tất vào năm 1421, Bắc Kinh trở thành kinh sư của đế quốc trong khi Ứng Thiên – mà nay gọi là Nam Kinh – thì để mất đi phần lớn tầm quan trọng của nó (Hồng Hi hoàng đế đã ra một chiếu chỉ vào năm 1425 để dời đô về Nam Kinh, song ông đã băng hà ngay sau đó).

Trong thế kỷ XV, Bắc Kinh đã cơ bản có được khuôn mẫu như hiện nay. Tường thành thời Minh tiếp tục tồn tại cho đến thời hiện đại, khi nó bị kéo đổ và đường vành đai 2 được xây dựng trên vị trí của nó. Có quan điểm phổ biến rằng Bắc Kinh từng là thành phố lớn nhất thế giới trong hầu hết các thế kỷ XV, XVI, XVII, và XVIII. Nhà thờ Thiên Chúa giáo đầu tiên được biết đến tại Bắc Kinh đã được xây dựng vào năm 1652 tại đất có nhà nguyện của Matteo Ricci trước đó; nhà thờ Nam Đường được xây dựng sau này cũng trên địa điểm đó.

Quân khởi nghĩa nông dân của Lý Tự Thành đã chiếm Bắc Kinh vào năm 1644 và kết thúc triều đại nhà Minh, song ông ta và triều Đại Thuận đã từ bỏ thành sau khi thất bại trước đội quân Thanh dưới quyền Đa Nhĩ Cổn ở Sơn Hải quan. Quân Thanh sau đó tiến vào chiếm lĩnh Bắc Kinh.

Bản đồ Bắc Kinh, 1914.
Bản đồ Bắc Kinh, 1914.

Nhà Thanh

Đa Nhĩ Cổn xem triều Thanh là triều đại kế thừa trực tiếp của triều Minh (xem Đại Thuận là phi pháp) và Bắc Kinh trở thành kinh đô duy nhất của Trung Quốc. Các hoàng đế Nhà Thanh đã cho sửa sang Hoàng cung, song phần lớn các công trình và cách bố trí chung từ thời Minh thì vẫn không thay đổi. Các thần thánh của người Mãn được thờ phụng, song Nhà Thanh cũng tiếp tục duy trì các quốc lễ truyền thống. Các bảng hiệu được viết bằng song ngữ Mãn-Hán hoặc bằng chữ Hán.

 Bưu thiếp có hình ảnh một phần của Di Hòa Viên, khoảng năm 1900.
Bưu thiếp có hình ảnh một phần của Di Hòa Viên, khoảng năm 1900.

Trong chiến tranh Nha phiến lần hai, quân Anh-Pháp đã chiếm thành phố, cướp bóc và đốt phá Viên Minh Viên vào năm 1860. Theo Điều ước Bắc Kinh khi kết thúc cuộc chiến, các cường quốc phương Tây lần đầu tiên được đảm bảo quyền hiện diện ngoại giao thường trực trong thành phố. Năm 1900, “phong trào Nghĩa Hòa Đoàn” đã cố gắng tiệt trừ sự hiện diện này, cũng như việc người Trung Quốc cải sang Thiên Chúa giáo, khiến Bắc Kinh lại bị các cường quốc ngoại bang chiếm đóng. Trong giao tranh, một vài cấu trúc quan trọng đã bị phá hủy, bao gồm Hàn Lâm Viện và Di Hòa Viên.

Thời Dân Quốc

Một bức chân dung lớn của Tưởng Giới Thạch đã được hiển thị ở quảng trường Thiên An Môn sau Đệ nhị thế chiến.
Một bức chân dung lớn của Tưởng Giới Thạch đã được hiển thị ở quảng trường Thiên An Môn sau Đệ nhị thế chiến.
Cách mạng Tân Hợi đã diễn ra vào năm 1911 nhằm thay thế Nhà Thanh bằng một Cộng hòa và các lãnh đạo của cuộc cách mạng như Tôn Trung Sơn ban đầu đã dự định dời đô đến Nam Kinh. Khi đó, một đại thần của triều Thanh là Viên Thế Khải đã buộc hoàng đế cuối cùng của Nhà Thanh thoái vị và những người cách mạng đã chấp thuận để ông làm đại tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc. Viên Thế Khải vẫn giữ thủ đô tại Bắc Kinh và nhanh chóng củng cố quyền lực, rồi xưng đế vào năm 1915. Ông ta qua đời chưa đầy một năm sau đó khiến Trung Quốc bị phân liệt giữa các quân phiệt địa phương. Các phe phái mạnh nhất đã tiến hành các cuộc chiến tranh thường xuyên – chiến tranh Trực-Hoàn năm 1920 cùng chiến tranh Trực-Phụng lần thứ nhất và lần thứ hai vào các năm 1922 và 1924 – để kiểm soát thủ đô. Sau khi Quốc Dân Đảng‘ tiến hành Bắc phạt thành công, thủ đô chính thức bị dời về Nam Kinh vào năm 1928. Ngày 28 tháng 6 cùng năm, Bắc Kinh được đổi tên thành Bắc Bình.

Trong chiến tranh Trung-Nhật, Bắc Bình rơi vào tay Nhật Bản ngày 29 tháng 7 năm 1937 và trở thành nơi đặt trụ sở của chính phủ Lâm thời Trung Hoa Dân Quốc, một chính phủ bù nhìn quản lý các phần lãnh thổ của người Hán ở các khu vực do Nhật Bản chiếm đóng tại Hoa Bắc. Chính phủ này sau đó hợp nhất với chính quyền Uông Tinh Vệ đặt tại Nam Kinh.

Thời Cộng hòa Nhân dân

Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949
Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949

Trong giai đoạn cuối cùng của Nội chiến Trung QuốcQuân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã chiếm được thành phố một cách yên bình vào ngày 31 tháng 1 năm 1949 trong chiến dịch Bình Tân. Ngày 1 tháng 10 cùng năm, Mao Trạch Đông đã tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ trên đỉnh Thiên An Môn. Ông đặt thủ đô tại thành phố, và phục hồi lại tên gọi Bắc Kinh, một quyết định được Chính hiệp Toàn quốc thông qua chỉ vài ngày trước đó.

Trong thập niên 1950, thành phố bắt đầu phát triển ra ngoài thành cổ và các vùng lân cận xung quanh, với các cơ sở công nghiệp nặng ở phía tây và các khu dân cư ở phía bắc. Nhiều phần của tường thành Bắc Kinh đã bị giật đổ trong thập niên 1960 để xây dựng tàu điện ngầm Bắc Kinh và đường vành đai 2.

Lễ khai mạc của Thế vận hội Mùa hè 2008.
Lễ khai mạc của Thế vận hội Mùa hè 2008.

Trong Cách mạng văn hóa từ năm 1966 đến 1976, phong trào Hồng vệ binh bắt đầu tại Bắc Kinh và chính quyền thành phố đã trở thành nạn nhân tại một trong các cuộc thanh trừng đầu tiên. Vào mùa thu năm 1966, toàn bộ các trường học của thành phố ngừng hoạt động và trên một triệu hồng vệ binh từ khắp đất nước đã tập hợp tại Bắc Kinh trong tám cuộc mittinh tại quảng trường Thiên An Môn với Mao Trạch Đông. Vào tháng 4 năm 1976, cư dân Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc tập hợp quần chúng lớn chống lại Tứ nhân bang và Cách mạng Văn hóa tại quảng trường Thiên An Môn song đã bị đàn áp mạnh mẽ. Vào tháng 10 năm 1976, Tứ nhân bang đã bị bắt giữ tại Trung Nam Hải và cách mạng Văn hóa đi đến hồi kết. Vào tháng 12 năm 1978, Hội nghị Toàn thể lần thứ ba của Uỷ ban Trung ương Đảng khóa 11 tại Bắc Kinh dưới sự chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình đã đảo nghịch những lời tuyên án chống lại các nạn nhân của Cách mạng Văn hóa và khởi đầu “chính sách cải cách và mở cửa”.

Từ đầu thập niên 1980, khu vực đô thị của Bắc Kinh đã mở rộng rất nhiều với việc hoàn thành đường vành đai 2 vào năm 1981 cũng như đường vành đai 3, 4, 5 và 6 vào sau này. Theo một tường thuật báo chí vào năm 2005, quy mô khu vực phát triển mới của Bắc Kinh rộng gấp rưỡi trước đó. Vương Phủ Tỉnh và Tây Đan (西单) đã phát triển thành những khu phố mua sắm hưng thịnh, trong khi Trung Quan Thôn trở thành một trung tâm điện tử lớn tại Trung Quốc. Trong những năm gần đây, sự phát triển của Bắc Kinh đã đem đến một số vấn đề như giao thông đông đúc, chất lượng không khí ở mức thấp, mất đi các khu vực lịch sử, và phải đón nhận một dòng nhập cư đáng kể đến từ các khu vực kém phát triển hơn trong nước. Bắc Kinh cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Trung Quốc thời gian gần đây, đáng chú ý là các cuộc biểu tỉnh Thiên An Môn năm 1989 và Thế vận hội Mùa hè 2008.

(Nguồn: Wikipedia)

🌐FIF – Finance Investment Fund
🌐FIF Youtube Channel
Tags: Bắc Kinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *