Thủ tướng vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo quyết định của Thủ tướng, dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109.111 tỷ đồng, tương đương hơn 4,664 tỷ USD.
Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng sân bay Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2025.
Chi tiết thi công Sân bay Long Thành
Giai đoạn 1, sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Để đạt mục tiêu trên, trong giai đoạn 1 sân bay Long Thành được đầu tư đường băng dài 4.000m, rộng 75m cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại máy bay hoạt động; xây dựng nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373.000 m2; xây dựng đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123m và các hạng mục phụ trợ.
Xây dựng các công trình phụ trợ gồm: nhà để xe; các nhà ga hàng hóa có tổng công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; khu cung cấp suất ăn hàng không; các cơ sở bảo trì trang thiết bị, vệ sinh máy bay, trạm cung cấp nhiên liệu, thoát và xử lý nước thải…
Giao thông kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành gồm: tuyến số 1 nối sân bay với quốc lộ 51, quy mô 6 làn xe; tuyến số 2 nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành quy mô 4 làn xe.
Các dự án thành phần xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long thành trong giai đoạn 1
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 được phân chia thành 4 dự án thành phần với các chủ đầu tư khác nhau.
Dự án thành phần 1 – các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước: giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như hải quan, công an, cảng vụ, kiểm dịch y tế… bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư các công trình. Trường hợp các cơ quan không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Dự án thành phần 2 – các công trình phục vụ quản lý bay: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác sân bay thực hiện: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 4 – các công trình khác: nhà đầu tư do Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức lựa chọn.
Nhu cầu sử dụng đất của sân bay Long Thành giai đoạn 1 khoảng 2.668 ha, gồm 1.810 ha đất để xây dựng sân bay; khoảng 136 ha đất cho hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2; 722 ha tập kết đất dư thừa xây dựng giai đoạn 1 và để dự trữ xây dựng cho các giai đoạn tiếp theo.
Sân bay Long Thành được áp dụng các công nghệ hiện đại và có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất nhằm quản lý và vận hành khai thác sân bay theo tiêu chuẩn quốc tế và tương đương các sân bay tiên tiến trên thế giới…