Tối 14/9, hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc diễn ra theo hình thức trực tuyến. Chủ trì cuộc họp gồm: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hội nghị bàn luận về các khía cạnh thương mại, khí hậu, hợp tác kỹ thuật số, nhân quyền và chống đại dịch Covid-19.
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai đối với hàng hóa và dịch vụ của EU, chỉ đứng sau Mỹ. Trao đổi thương mại song phương giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc vượt hơn 1 tỷ EUR/ngày. Hai bên đang đàm phán về các điều khoản đầu tư doanh nghiệp, EU hy vọng rằng Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường và chấm dứt “luật phân biệt đối xử”.
Trong lĩnh vực kỹ thuật số, ông Michel cho biết, EU bảo vệ tầm nhìn của mình về một không gian mạng tự do, mở và an toàn, vì lợi ích của công dân và toàn xã hội. Với tư cách là người chơi toàn cầu, EU và Trung Quốc cần có trách nhiệm tương xứng.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trong các hành động đơn phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh leo thang.
Về đại dịch Covid-19, ông Michel cho rằng, chỉ có hành động tập thể và minh bạch mới có thể khống chế được đại dịch và cách duy nhất để tìm ra vaccine và triển khai ở mọi quốc gia là dựa trên hợp tác toàn cầu. Ông Michel bày tỏ mong muốn tất cả các quốc gia hợp tác đánh giá khách quan, độc lập và toàn diện về phản ứng y tế quốc tế đối với Covid-19, đồng thời hỗ trợ WHO xác định nguồn gốc của virus.
Hai bên nhất trí đẩy nhanh đàm phán để đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay. Kể từ 2013, EU và Trung Quốc đã bàn bạc về một hợp tác song phương liên quan đến việc giảm bớt các hạn chế của Trung Quốc đối với các công ty châu Âu. Vào tháng 4 năm ngoái, EU và Trung Quốc đã đặt mục tiêu đến 2020 cả hai sẽ đạt được một thỏa thuận đầu tư “đầy tham vọng”.
Liên minh tuyên bố rằng họ đã đạt được tiến bộ trong các vấn đề như chuyển giao công nghệ bắt buộc, nhưng hy vọng Trung Quốc sẽ mở cửa các ngành như viễn thông, CNTT, y tế, dịch vụ tài chính và sản xuất. EU cũng mong Trung Quốc sẽ hành xử tương tự như trong giai đoạn đầu của hiệp định thương mại giữa Trung – Mỹ (về tiếp cận thị trường nông sản và thực phẩm).
Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, EU và Trung Quốc nhất trí xác định tiếp cùng nhau thúc đẩy cải thiện hợp tác, nhấn mạnh, EU mong muốn xây dựng mối quan hệ cân bằng, có đi có lại và dựa trên sự tôn trọng lợi ích lẫn nhau.
Các nhà lãnh đạo EU cũng đề nghị Bắc Kinh chuyển đổi dần sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn. Hai bên cũng nhất trí thiết lập các cơ chế đối thoại cấp cao về khí hậu và môi trường cũng như các vấn đề trong lĩnh vực kỹ thuật số để tăng cường quan hệ đối tác.
Trước cuộc họp, EU và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận bảo hộ tên thương mại đối với các mặt hàng thực phẩm và đồ uống xuất khẩu của nhau, từ phô mai mặn làm bằng sữa cừu, dê ở Hy Lạp cho đến bột đậu Pixian của Trung Quốc. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ tôn trọng tên gọi của 100 mặt hàng thực phẩm từ châu Âu và tên gọi 100 mặt hàng cùng loại của Trung Quốc.
EU cũng lo ngại về việc các công ty Trung Quốc nhận được trợ cấp của chính phủ khi đầu tư vào công nghệ châu Âu, đồng thời cho biết họ sẽ đặc biệt chú ý đến các lĩnh vực chính như vi điện tử và trí tuệ nhân tạo.
🌐FIF – Finance Investment Fund
Tags: EU và Trung Quốc, hội nghị thượng đỉnh 14/9