Chính quyền ông Trump đang xem xét cấm nhập khẩu sản phẩm vải bông từ khu tự trị Tân Cương với cáo buộc Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức tại khu vực này.
Mỹ dự kiến công bố lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm có chứa vải bông từ khu tự trị Tân Cương vào đầu ngày 8/9. Động thái mới của Washington xuất phát từ lo ngại rằng một số công ty Trung Quốc đang dựa vào sức lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ để cho ra sản phẩm, nguồn tin thân cận của Bloomberg cho biết.
Bộ phận thực hiện và chịu trách nhiệm đối với lệnh cấm mới là cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ.
Biện pháp trừng phạt này có thể gây tác động to lớn đến ngành dệt may toàn cầu, vốn phụ thuộc vào nhiều vải bông của Trung Quốc.
Theo một báo cáo hồi tháng 10/2019 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Tân Cương sản xuất hơn 80% lượng bông của Trung Quốc và Mỹ nhập khẩu khoảng 30% hàng may mặc từ đất nước tỷ dân.
Phạm vi ảnh hưởng của lệnh cấm nhập khẩu vải bông của Mỹ chưa được công bố chính thức. Nếu lệnh được ban hành, các hạn chế mới sẽ được thực thi thông qua lệnh hủy bỏ (withhold release order) mà Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ sử dụng để chống lại hành vi sử dụng lao động cưỡng bức trên toàn cầu.
Chính sách của Trung Quốc đối với tộc người Duy Ngô Nhĩ tại khu tự trị Tân Cương đã gây ra nhiều tranh cãi trên phạm vi quốc tế.
Vào đầu tháng 7, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc liên quan đến khu vực Tân Cương, hạn chế họ di chuyển đến Mỹ và ngăn chặn liên hệ tài chính với phía Mỹ.
Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang liên tục xấu đi vì nhiều vấn đề như Tân Cương, phong trào dân chủ Hong Kong, tranh chấp trên Biển Đông và đại dịch COVID-19.
Khi chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Trump đang coi cuộc đối đầu với chính phủ Trung Quốc là một phần trọng tâm trong chiến dịch tranh cử. Hôm 7/9, ông Trump lại một lần nữa đe dọa cắt đứt quan hệ kinh tế Mỹ – Trung.
Cụ thể, tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố: “Chúng ta sẽ sản xuất các hàng hóa quan trọng ở Mỹ, phát triển chương trình ưu đãi thuế ‘Made in America’, đưa việc làm trở về Mỹ và áp thuế với các công ty của Hoa Kỳ nhưng sản xuất sản phẩm ở nước khác”.
Như vậy, nếu các công ty Mỹ không chịu làm ăn ở quê nhà, họ sẽ phải chịu một khoản thuế cao ngất để xây dựng nhà máy ở nơi khác rồi đưa hàng hóa về Hoa Kỳ. Đây có lẽ là chiến lược tạo việc làm cho những người thất nghiệp ở Mỹ của tổng thống Trump.
Tags: căng thẳng Mỹ - Trung, Mỹ và Trung Quốc, Quốc tế