Cơn bão số 10 được dự báo chuẩn bị đổ bộ vào Phú Yên, người dân cần khẩn trương quan sát và di dời đến nơi an toàn trước 11 giờ ngày 4/11. Đồng thời, 8 tàu thuyền với 60 lao động đang lênh đênh ở vùng nguy hiểm cũng đã nhận được tín hiệu và di chuyển vòng tránh.
Dự báo về cơn bão và những nơi bão có thể di chuyển qua
Sáng 3/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 10 đang cách quần đảo Hoàng Sa 380 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Trong vòng 12 giờ qua, bão không mạnh lên.
Ngày và đêm nay, hình thái này đi theo hướng tây tây nam, vận tốc 10-15 km/h. Sáng 4/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 290 km về phía nam. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11.
Sau đó bão chủ yếu di chuyển theo hướng tây tây nam với vận tốc 10 km/h và không có khả năng mạnh thêm. Ngày 5/11, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi tiến vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.
Hoàn lưu bão vẫn gây một đợt mưa lớn cho các tỉnh Trung Bộ, trọng tâm là Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ trong các ngày 4-7/11.
Các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi ghi nhận lượng mưa 300-400 mm/đợt, trong khi khu vực Bình Định, Phú Yên và phía bắc Tây Nguyên mưa 100-200 mm.
Ảnh hưởng của mưa lớn, lũ trên các sông khả năng lên cao trở lại. Lũ trên sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi có thể lên báo động 2 và báo động 3.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm trên Biển Đông nằm từ vĩ tuyến 12,5 đến 17 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 111 đến 118 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trước 11h ngày 4/11, Quảng Nam phải di dời tránh bão
Sáng 3/11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Phó chủ tịch UBND tỉnh ông Hồ Quang Bửu, đã kí ban hành Công điện về chủ động ứng phó với bão Goni (bão số 10) và tình hình mưa lũ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro cấp huyện, cấp xã đến cộng đồng để nhân dân biết, chủ động ứng phó.
Kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Việc này cần hoàn thành trước 11 giờ ngày 4/11, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.
Ông Bửu yêu cầu đối với các địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá cần tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như: nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu… cần chủ động di chuyển đến nơi an toàn.
Các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn các trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân và khách du lịch ven biển, trên đảo…Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 16h ngày 4/11.
8 tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão số 10
Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho thấy, các đơn vị chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.877 phương tiện với 232.118 người, biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động di chuyển vòng tránh, hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tuy nhiên, hiện, vẫn còn 8 phương tiện với 60 lao động của tỉnh Bình Định hoạt động trong vùng nguy hiểm; các tàu thuyền đã nhận thông tin và đang di chuyển vòng tránh.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định đã có công điện gửi sở ngành, địa phương triển khai ứng phó với bão số 10 và tình hình mưa lũ sau bão.
Riêng tỉnh Bình Định đã có công điện cấm biển, không cho tàu cá (chiều dài tàu từ 15m trở lên) ra khơi từ 14 giờ ngày 2/11.
Các tỉnh từ Đà Nẵng – Khánh Hòa đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân gia cố, di dời 189.829 lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn, tập trung chủ yếu tại 2 tỉnh: Phú Yên (81.177 lồng bè), Khánh Hòa (91.225 lồng bè). Cùng với đó là bảo đảm an toàn cho gần 17.196ha nuôi trồng thủy sản mặt nước.